Đứa trẻ bên trong bạn

✨Bạn đã từng dừng lại và tự hỏi liệu bên trong mình có tồn tại một đứa trẻ nhỏ bé?
 
🌷Nhận ra và kết nối với đứa trẻ bên trong chính là bước đầu tiên để chữa lành những vòng lặp tiềm thức đã ăn sâu vào tâm hồn bạn. Tiềm thức lưu giữ những phản ứng tự nhiên trước những biến cố trong cuộc sống: dễ cáu giận, nhanh khóc, yêu sai cách, diễn biến khác nhau nhưng kết quả lại giống nhau. Tuổi thơ của bạn là nguồn gốc sâu xa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiềm thức và cách chúng ta tiếp nhận thế giới. Đối với những ai tin vào tâm linh và năng lượng, tiềm thức là kho ký ức tích lũy qua nhiều kiếp sống, chứa đựng những hành vi, cảm xúc và ý thức đầu tiên của chúng ta đối với cuộc sống.
 
✍🏻Theo Carl Jung, phần lớn các vấn đề tâm lý khi trưởng thành đều bắt nguồn từ tuổi thơ. Vậy chúng ta đối xử với đứa trẻ nhạy cảm bên trong như thế nào? Hãy hồi tưởng lại khi bạn còn nhỏ, điều quan trọng nhất là gì? Đó chính là tình yêu thương. Tình yêu làm cho đứa trẻ cảm thấy an toàn. Một đứa trẻ được yêu thương từ bé sẽ lớn lên với sự tự tin và khả năng tự yêu bản thân lành mạnh. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có một tuổi thơ trọn vẹn. Nếu đứa trẻ bên trong bạn đã từng thiếu an toàn, lớn lên với sự hoài nghi và thiếu tin tưởng là hệ quả cần phải cảy ra. Chúng ta cố gắng bao bọc mình bằng những chiếc gai và áo giáp, thậm chí là những chiếc mặt nạ, bởi sự chân thật khiến bản thân dễ bị tổn thương. Nhưng đó không phải là con đường đi đến hạnh phúc.
 
✨Khi nhận ra sự tồn tại của đứa trẻ bên trong, việc đầu tiên bạn cần làm là chấp nhận nó. Đó là một phần của bản thể của chúng ta , làm nên con người nhạy cảm và sâu sắc của ngày hôm nay. Hãy nhìn vào mặt tích cực mà đứa trẻ mang lại, đừng chối bỏ nó dù nó có tối tăm . Ngược lại với sự yếu đuối đáng chán ghét đó là cả một sự sáng tạo nhạy bén vô bờ bến. Đứa trẻ bên trong chính là hiện thân của sự sáng tạo.
Và cũng đừng quên rằng bạn còn một bản thể khác nữa, đó là người lớn trưởng thành. Bản thể này được tôi luyện qua môi trường sống, qua khả năng tự thay đổi và qua những mối quan hệ. Người lớn trưởng thành sẽ nâng đỡ đứa trẻ bên trong.
 
🌱Hãy để đứa trẻ được khóc khi nó cần, xả hết những năng lượng ức chế và bất lực. Sau đó, hãy ôm lấy bản thân mình, như ôm một đứa bé thực sự. Để đứa trẻ cảm nhận sự an toàn không phải từ ai khác mà là từ chính mình. Để nó nhận ra rằng mình chưa bao giờ bị ghét bỏ bởi chính bản thân. Điều này rất quan trọng để tạo nên một con người với cuộc sống tinh thần lành mạnh. Chúng ta cho phép đứa trẻ được hiện diện nhưng người quyết định hành động là bản thể trưởng thành. Khi làm được điều này, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, sống thật với cảm xúc mà không bị bi lụy.
 
📌Nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp giữa bản thể nhạy cảm yếu đuối và bản thể sáng suốt trí tuệ. Cả hai luôn song hành, không cái nào bị triệt tiêu. Khi bạn thấy mình quá đa sầu đa cảm, đó là dấu hiệu bạn đã sử dụng đứa trẻ quá nhiều. Khi bạn cảm thấy mình quá tích cực, cố gắng không quan tâm, đó là lúc bạn đang dùng người lớn quá công suất. Cả hai trạng thái đều gây đè nén cho tâm trí. Hãy điều chỉnh lại, cho phép cả hai bản thể được xuất hiện. Đó chính là sống hòa hợp với chính mình trước khi hòa hợp với bất kỳ ai khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *